Giải pháp “cứu cánh” cho thị trường thép trong nước

      Comments Off on Giải pháp “cứu cánh” cho thị trường thép trong nước

Lượng thép nhập khẩu và trị giá hàng hóa thép nhập có diễn biến tăng so với tháng trước. Sau khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, liệu các tập đoàn thép trong nước có thể cải thiện tình hình kinh doanh?

Diễn biến thị trường trong nước

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 7,48 tỷ USD sắt thép các loại, tăng 26,3% [tương ứng tăng 1,56 tỷ USD] so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lượng nhập khẩu sắt thép các loại là 6,92 triệu tấn, tăng 50,15% với trị giá là 5,02 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc [đạt 4,77 tỷ USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2022] và Hàn Quốc [đạt 735 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023]. Chính vì lượng thép nhập khẩu lớn, nhất là từ Trung Quốc, đã và đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy thép trong nước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam [VSA], dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, cho biết việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu thép đã làm các công ty thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Trong 4 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc tương đương 40% lượng thép sản xuất nội địa.

thép cuộn

Các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn do thị trường chưa hồi phục

Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại [Bộ Công Thương], nhận định ngành thép vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do quy mô sản xuất nhỏ và chi phí sản xuất cao. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ có khả năng sản xuất các sản phẩm thép cơ bản, phục vụ ngành bất động sản và chưa có khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như thép làm vỏ ô tô, thép làm vỏ tàu.

Triển khai biện pháp phòng vệ thương mại

Trước những khó khăn hiện nay, VSA đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, chất lượng và hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đạt tiêu chuẩn an toàn và môi trường [thép xanh] tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn tránh thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Bộ Công Thương cũng tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng [HRC] từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và điều chỉnh thuế nhập khẩu phù hợp với các mặt hàng thép có biến động lớn về giá; đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép. Đồng thời, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Ngành thép Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ sức ép cạnh tranh của thép nhập khẩu và sự biến động của thị trường. Các biện pháp phòng vệ thương mại và chiến lược kinh doanh tập trung vào sản phẩm chất lượng cao sẽ là những yếu tố quan trọng giúp ngành vượt qua khó khăn hiện tại.