Thép thanh vằn đạt chuẩn sẽ đảm bảo chất lượng cho các công trình. Hiểu về tiêu chí đánh giá thép giúp nhà máy sản xuất chú trọng hơn trong khâu sản xuất thép thành phẩm.
Thép thanh vằn là gì?
Thép thanh vằn, thép vằn hay thép cốt bê tông là loại thép có gân với đường kính từ 10mm đến 40mm. Thép có cấu tạo với dạng thanh có chiều dài 11,7m hoặc dài hơn tùy theo yêu cầu của từng công trình. Các thông số về kích thước, khối lượng, chiều dài thép, sai số cho phép cần theo đúng quy định cụ thể trong tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng.
Tiêu chí đánh giá thép thanh vằn
Phôi thép đạt chuẩn là yếu tố để thép vằn đạt chất lượng. Thép đạt yêu cầu cần đảm bảo tiêu chí về giới hạn chảy, độ bền, độ dãn và được kiểm tra bằng phương pháp thử kéo, thử uốn ở trạng thái nguội.
Đánh giá thép thanh vằn theo tiêu chuẩn như thế nào?
Tiêu chuẩn và phương pháp thử thép áp dụng cho các mác thép: CB300-V, CB400-V, CB500-V, CB600-V dưới dạng thẳng, dạng cuộn. Ký hiệu CB trên mác thép là từ viết tắt của cốt bê tông. Ba chữ số sau CB quy định giá trị giới hạn chảy, tính bằng Megapascal. Ký hiệu V cuối cùng minh họa cho sản phẩm thép thanh vằn.
Yêu cầu về gân
Sau quá trình luyện phôi thép thanh để sản xuất thép vằn, cần lưu ý đến các yêu cầu về gân thép. Thép thanh vằn phải có gân ngang, không bắt buộc có gân dọc. Thép đạt chuẩn cần có ít nhất hai hàng gân ngang phân bố đều cây thép. Đường gân ngang ở mỗi hàng của cây thép phải được phân bố đều dọc theo chiều dài của thanh, ngoại trừ vùng thể hiện tên nhãn.
Yêu cầu về độ bền khi uốn thép
Sau quá trình uốn thép, thép gân vằn chất lượng không được gãy và có vết nứt ngang nhìn thấy bằng mắt thường. Khi uốn thép cần lưu ý đến các yếu tố như mác thép, đường kính thanh thép và đường kính gối uốn.
Đối với thép vằn D20, mác thép CT51, đường kính gối uốn đạt chuẩn sẽ theo mức quy định 3D:3D = 3 x 20 mm = 60 mm. Đối với thép vằn D20, mác thép SD295A, đường kính gối uốn theo tiêu chuẩn là 4D:4D = 4 x 20 mm = 80 mm.
Yêu cầu khi nối thép
Khi nối thép bằng phương pháp hàn, trong trường hợp hàn một phía, chiều dài mối hàn bắt buộc phải bằng tối thiểu 10 lần đường kính thanh thép [Lmin =10D]. Nếu hàn hai phía, chiều dài mối hàn bắt buộc bằng tối thiểu 5 lần đường kính thanh thép [Lmin =5D].
Ví dụ thanh thép có đường kính 14mm, khi tiến hành hàn nối 2 phía thì chiều dài mối hàn tối thiểu: Lmin = 5 x 14 mm = 70 mm. Với các loại thép có đường kính 14 mm, trong trường hợp hàn nối 1 phía thì chiều dài mối hàn phải đạt tối thiểu: Lmin = 10 x 14 mm = 140 mm.
Trong trường hợp nối thép bằng mối buộc, thép vằn không yêu cầu uốn móc. Đối với các loại thép trơn khác, nếu đường kính thanh thép có chiều dài ngắn hơn 12mm thì đường kính móc uốn bắt buộc bằng 2.5 lần đường kính thanh thép. Với các loại thép có đường kính lớn hơn 12mm thì đường kính móc uốn bắt buộc phải bằng 5 lần đường kính thanh thép.